Quân Pháp bất ngờ tiến công Chiến_tranh_Pháp-Phổ

Chuẩn bị tấn công

Bố trí quân Đức và Pháp gần biên giới ngày 31 tháng 7 năm 1870

Ngày 28 tháng 7 năm 1870, Napoléon III rời Paris đi Metz và nắm quyền chỉ huy đạo quân mới được đặt tên là Đạo quân sông Rhine, với 202 448 quân và dự tính còn tăng thêm nữa khi cuộc động viên tiếp tục[92]. Thống chế MacMahon nắm quyền chỉ huy Quân đoàn 1 (gồm 4 sư đoàn bộ binh) gần Wissembourg, Thống chế François Canrobert mang Quân đoàn 6 (4 sư đoàn bộ binh) tới Châlons-sur-Marne ở miền bắc Pháp làm lực lượng dự bị và đề phòng một cuộc tấn công của Phổ qua hướng Bỉ.

Theo kế hoạc trước khi chiến tranh nổ ra của Thống chế Adolphe Niel, quân Pháp sẽ tấn công từ Thionville tới Trier và tiến vào vùng Rhineland của Phổ. Kế hoạch này bị bãi bỏ, thay bằng kế hoạch phòng ngự của tướng Charles Frossard và tướng Bartélemy Lebrun, theo đó Đạo quân sông Rhine sẽ phòng ngự gần biên giới với Đức và đẩy lùi các cuộc tấn công của Phổ. Vì họ tính rằng Áo, cùng với Bayern, Württemberg và Baden sẽ tham chiến để trả thù Phổ, Quân đoàn 1 sẽ tiến chiếm vùng Pfalz thuộc Bayern rồi từ đó sẽ phối hợp với quân Áo-Hung "giải phóng" các tiểu quốc Nam Đức. Quân đoàn 6 sẽ tăng viện một trong hai cánh quân này nếu cần thiết[93]. Ngoài ra, tuy chưa có trinh sát gì về tình hình nước Phổ, quân Pháp dự định sẽ tiến chiếm kinh thành Berlin.[20]

Không may cho kế hoạch của tướng Frossard, quân Phổ động viên quá nhanh. Quân Áo – Hung, vốn bị thua đau trong chiến tranh với Phổ, thận trọng theo dõi tình hình trước khi cam kết với Pháp là họ sẽ chỉ tham chiến nếu các tiểu quốc nam Đức ủng hộ Pháp. Khả năng này không xảy ra vì các tiểu quốc nam Đức đều ủng hộ Phổ và động viên quân đội tham chiến chống lại Pháp[94]. Do đó, kế hoạch nêu trên của quân Pháp bị phá sản.[23]

Chiếm đóng Saarbrücken

Napoléon III do sức ép từ trong nước phải chọn tấn công trước khi tướng Moltke có thể tổng động viên và triển khai lực lượng. Trinh sát của tướng Frossard phát hiện chỉ có duy nhất sư đoàn bộ binh số 16 Phổ trấn giữ thị trấn biên giới Saarbrücken, đối diện với toàn bộ Đạo quân sông Rhine. Tiếp đó, ngày 31 tháng 7, quân Pháp tiến về phía sông Saar để chiếm Saarbrücken.[95]

Quân đoàn 2 của tướng Frossard và Quân đoàn 3 của Thống chế Bazaine vượt biên giới Đức ngày 2 tháng 8, bắt đầu đẩy lui lực lượng thuộc trung đoàn 40 của sư đoàn 16 bộ binh khỏi thị trấn Saarbrücken sau một loạt cuộc giáp chiến. Súng trường Chassepot của Pháp tỏ rõ tính ưu việt so với súng trường Dreyse của quân Phổ, khi tầm bắn quân Pháp thường vượt quá tầm bắn quân Phổ trong các cuộc chạm trán quanh Saarbrücken. Tuy nhiên, quân Phổ chống cự ngoan cường, và quân Pháp phải chịu 86 thương vong so với 83 thương vong về phía quân Phổ. Saarbrücken cũng là một trở ngại về mặt hậu cần, vì chỉ có một tuyến đường sắt duy nhất nối liền thị trấn với vùng nội địa Đức, đồng thời hệ thống sông ngòi ở vùng này lại chạy song song với biên giới, thay vì hướng về phía nội địa[96]. Trong khi quân Pháp hoan nghênh chiến thắng này như là bước đầu của sự chinh phục vùng Rhineland và tiếp theo là kinh đô Berlin, thì tướng Le Bœuf và Napoléon III lại nhận được những báo cáo nguy cấp từ báo chí nước ngoài về việc quân Phổ và Bayern đã hội quân ở phía đông nam, cùng với các lực lượng ở hướng bắc và đông bắc[97].

Moltke trên thực tế đã hội 3 cánh quân;

  • Đệ Nhất đại quân (hay Binh đoàn) Phổ với 50 000 quân, chỉ huy bởi tướng Karl von Steinmetz – một danh tướng 74 tuổi vốn bắt đầu sự nghiệp với cuộc chiến đấu chống lại Napoléon I[77] - đối diện Saarlouis
  • Đệ Nhị đại quân Phổ với 134 000 quân chỉ huy bởi Hoàng thân Phổ Friedrich Karl (được mệnh danh là "Hồng Thân vương" vì thường vận quân phục màu đỏ của Khinh Kỵ binh[77]) đối diện với tuyến Forbach-Spicheren
  • Đệ Tam Đại quân Phổ với 120 000 quân chỉ huy bởi Thái tử Friedrich Wilhelm, sẵn sàng vượt biên giới tại Wissembourg[98]. Kế hoạch này của Moltke đã tái hiện lại kế sách tương tự của ông trong cuộc chiến chống Áo vào năm 1866.[23]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_tranh_Pháp-Phổ http://www.net4war.com/e-revue/dossiers/2empire/18... http://www.net4war.com/e-revue/dossiers/2empire/18... http://www.deuframat.de http://www.deutsche-schutzgebiete.de/dfkrieg.htm http://ml.hss.cmu.edu/courses/mjwest/Chapter_2_186... http://www.laguerrede1870enimages.fr http://www.loire1870.fr/index.htm http://www.omaha-beach.org/Travel/1870/1870-71.htm... http://books.google.com.vn/books?ei=QtMTT__WM6eTiA... http://books.google.com.vn/books?hl=vi&id=LH49AAAA...